Bạn thương đã biết những hoạt động xanh trong Tết Giáp Thìn 2024 chưa?

GUfoods
Thứ Sáu, 03/11/2023

Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng nhất, thể hiện nét đẹp trong văn hóa người Việt từ xưa đến nay. Bởi Tết không chỉ là khoảng thời gian để sum họp gia đình mà còn diễn ra nhiều phong tục độc đáo để cầu chúc năm mới an lành. 

Tuy nhiên, để đảm bảo rằng chúng ta không chỉ tận hưởng những khoảnh khắc đáng nhớ mà còn bảo vệ môi trường, ngày Tết cũng là dịp thích hợp để thực hiện những hoạt động xanh. Chúng ta có thể kết hợp giữa truyền thống văn hóa và tinh thần bảo vệ môi trường để tạo ra một Tết xanh hơn, làm phong phú thêm ý nghĩa của ngày lễ này. Dưới đây, GU sẽ gợi ý về những hoạt động xanh trong ngày Tết, giúp bạn thương và gia đình có thể kết hợp giữa niềm vui truyền thống và sự chăm sóc môi trường xung quanh.

MỤC LỤC

1. Đưa ông Táo về trời

2. Bữa cơm tất niên healthy

3. Đón giao thừa

4. Chúc tết, lì xì Tết

5. Tham gia các hoạt động thiện nguyện

1/ Đưa ông Táo về trời

Mỗi dịp lễ 23 tháng Chạp, người Việt Nam có phong tục thả cá xuống sông, ao, hồ với quan niệm tiễn đưa cá chép và ông Táo về trời để báo cáo một năm đã qua và cầu nguyện những điều tốt đẹp tràn đầy hy vọng trong năm mới.

Tuy nhiên, không ít người khi thả cá và đồ cúng xuống nước thường thả cùng với túi nilon. Bên cạnh đó, việc ném túi tro vàng trừ trên cầu xuống sông gây nên lớp bụi mù mịt trong không khí, làm đục dòng nước hay tình trạng túi đựng bị bỏ lại vương vãi bên bờ sông, bờ hồ, gây mất cảnh quan đô thị và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến vệ sinh môi trường.

Với mong muốn nâng cao ý thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa trong ngày lễ Ông Công ông Táo, nhiều người đã tiến hành lắp đặt các biển hiệu thông báo và bao tải phân loại rác tại các điểm người dân thường xuyên lui tới để thả cá. Do đó vào ngày đưa ông Táo về trời, chúng ta không nên vứt rác thải nhựa xuống sông hồ, mà hãy phân loại rác để giữ cho môi trường thêm xanh.

2/ Bữa cơm tất niên healthy

Lễ tất niên hay còn gọi là bữa tiệc cuối năm, đây là nghi thức không thể thiếu trong các gia đình Việt để kết thúc năm cũ và đón chào năm mới. Tất niên thường được tổ chức vào ngày 30 âm lịch của tháng Chạp hoặc ngày 29 (nếu năm đó không có ngày 30). Để thời khắc Tất niên thực sự ý nghĩa mọi thứ sẽ được chuẩn bị từ trong ngày và đợi đến giờ Chính Tý (0 giờ, 0 phút của ngày đầu tiên trong năm mới) mọi người sẽ cùng nhập tiệc và chúc nhau một năm mới bình an.

Có thể thấy rằng mâm cơm ngày tất niên thường bao gồm những món ăn nhiều dinh dưỡng với hàm lượng calo cao. Nhưng bạn thương có thể thay đổi bằng những món ngon healthy, được làm từ những thực phẩm hữu cơ an toàn, lành mạnh, tốt cho sức khỏe của mọi người trong gia đình. 

3/ Đón giao thừa

Đón giao thừa là một trong những hoạt động thường thấy nhân dịp đầu năm mới, diễn ra vào lúc 0 giờ ngày cuối cùng của năm. Vào khoảnh khắc này, gia đình mỗi nhà có hai mâm cúng tổ tiên ông bà và cô hồn các bác để xóa bỏ hết những cái xấu năm cũ, chào đón một năm mới an nhiên, may mắn và hạnh phúc.

Mâm cúng thường sẽ là ngũ quả: dừa, đu đủ, mãng cầu, xoài và trái sung. Ông bà xưa chọn chúng với ngụ ý“cầu dừa đủ xài sung túc”. 

Để chuẩn bị một mâm ngũ quả đầy đủ, sung túc nhưng vẫn chuẩn xanh, bạn thương nên chọn những loại trái cây hữu cơ ở địa phương, vừa đảm bảo an toàn, vừa không làm ảnh hưởng tới môi trường.

Bạn thương nên hạn chế việc đốt pháo hoa vì pháo hoa có thể gây ô nhiễm môi trường và gây nguy cơ cháy nổ. Thay vì đốt pháo hoa, chúng ta có thể tham gia các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ánh sáng, đốt lửa trại quây quần cùng gia đình đón giao thừa.

4/ Chúc tết, lì xì Tết

Ở Việt Nam, mùng 1 Tết thường nên làm gì để cả năm may mắn? Vào ngày đầu tiên của năm mới, mọi người trong gia đình sẽ cùng nhau chúc Tết ông bà, anh em nội ngoại và bạn bè. Người lớn sẽ lì xì và chúc trẻ em thật ngoan ngoãn, nghe lời và học tập chăm chỉ. Đồng thời, con cháu cũng sẽ chúc ông bà, bố mẹ sức khỏe dồi dào, bình an và phát đạt.

Văn hóa lì xì ngày Tết dần trở thành một nét đẹp truyền thống của người dân Việt Nam. Thông qua những phong bao đỏ, mọi người sẽ trao nhau tài lộc, sự may mắn và thành công trong năm mới.

Gần đây, những chiếc bao lì xì được làm bằng giấy kraft thân thiện với môi trường rất được nhiều người ưa chuộng. Chúng ta có thể dùng những chiếc bao lì xì có in những thông điệp về Tết xanh trên đó để được nhiều người hưởng ứng, biết đến hơn.

5/ Tham gia các hoạt động thiện nguyện

Ngày Tết là ngày lễ sum họp gia đình, tuy nhiên không phải ai cũng may mắn được sum vầy bên gia đình vào ngày Tết. Do đó, chúng ta có thể tham gia vào những chiến dịch tình nguyện, từ thiện, vì người kém may mắn.

Những hoạt động này vừa ấm áp tình thương, vừa mang lại những điều tích cực cho xã hội. Ngoài ra, việc tham gia các hoạt động thiện nguyện cũng có thể góp phần tuyên truyền, lan tỏa cho mọi người về một Tết xanh an lành.

Lời kết

Trong ngày Tết, việc thực hiện những hoạt động xanh không chỉ là cách bảo vệ môi trường mà còn là một cơ hội để kết hợp giữa truyền thống văn hóa và tinh thần bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta. Thông qua việc lựa chọn các hoạt động xanh, chúng ta có khả năng tạo ra một môi trường tốt hơn cho thế hệ tương lai và duy trì những giá trị quý báu của ngày lễ truyền thống. Cùng GU chia sẻ và lan tỏa ý thức về bảo vệ môi trường trong ngày Tết và các dịp lễ khác, để mỗi bước chân của chúng ta đều để lại dấu ấn xanh cho hành tinh này.  Nhà GU chúc mọi người có một Tết tràn đầy niềm vui và ý nghĩa, cùng với tình yêu thương, trân trọng môi trường.