Nấm Bào Ngư - Oyster Mushroom

GUfoods
Thứ Hai, 06/09/2021

 

Tổng quan

Nấm bào ngư là một loài nấm thuộc họ Pleurotaceae, có nhiều tên gọi khác như nấm trắng, nấm dai, nấm sò. Nấm ăn rất ngon, mang mùi thơm của quả hạnh và vị giòn, ngọt của bào ngư. Đây là loại nấm được dùng khá phổ biến trong ẩm thực Việt Nam, có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể.

Nấm bào ngư - Oyster Mushrom

Nguồn gốc và đặc điểm

Nấm bào ngư là một loài nấm ăn được thuộc họ Pleurotaceae. Nó được trồng lần đầu ở Đức để ăn trong thế chiến 1 nhưng mãi cho đến năm 1970, nấm sò mới được nuôi trồng đại trà khắp thế giới, tuy nhiên việc trồng được ghi chép trong tài liệu đầu tiên là bởi Kaufert.

Nấm bào ngư còn có nhiều tên gọi khác nhau như nấm sò xám, nấm dai, nấm trắng, nấm hương chân trắng,… Đây là một loại nấm ăn rất ngon, mang mùi thơm của quả hạnh và vị giòn, ngọt của bào ngư.

Nấm bào ngư có hình dạng phễu lệch, mũ nấm xòe, chóp nấm lõm nhẹ, dưới mũ nấm có lớp tơ mỏng. Nấm bào ngư mọc chủ yếu mọc thành cụm, ít mọc đơn lẻ.

Có hai loại nấm bào ngư. Nấm bào ngư có mũ màu xám, được gọi là nấm bào ngư xám. Nấm bào ngư có mũ màu trắng, được gọi là nấm sò trắng hay nấm bào ngư trắng.

Trong tự nhiên, nấm bào ngư thường mọc trên các thân cây khô. Trong môi trường nuôi trồng nông nghiệp, nấm bào ngư được trồng trên rơm, bã mía, mùn cưa cao su. Tại các nông trại của Việt Nam, nấm bào ngư thường được trồng bằng phôi gỗ mùn cưa cao su cấy theo nấm.

Giá trị dinh dưỡng

Các loài nấm sò là nguồn thực phẩm bổ dưỡng quý giá với hàm lượng protein cao tới 33 - 43% sinh khối khô, thành phần acid amin phong phú, có đủ các acid amin không thay thế; bên cạnh đó là các thành phần gluxit, vitamin, khoáng chất, acid béo (chủ yếu là acid không no, acid hữu cơ...). Ngoài giá trị dinh dưỡng, nấm ăn còn có nhiều đặc tính của biệt dược, có khả năng phòng và chữa các bệnh như làm hạ huyết áp, chống béo phì, chữa bệnh đường ruột, tẩy máu xấu...

Cứ trong 100g nấm bào ngư gồm có các chất dinh dưỡng như:

  • Năng lượng: 33 kcal
  • Carb: 6g
  • Chất đạm: 3g
  • Chất béo: 0g
  • Các loại axit amin có trong nấm 
  • Các loại vitamin: D, các vitamin nhóm B
  • Các khoáng chất tiêu biểu: kali, magie, magie, mangan, photpho,....

 

Các tác dụng với sức khỏe

Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường

Nấm bào ngư chứa rất nhiều các hợp chất làm giảm cholesterol trong máu, giảm thiểu lượng đường hấp thụ vào cơ thể. Chúng giúp điều hòa và lưu thông máu rất tốt. Từ đó, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và hỗ trợ trị bệnh rất hiệu quả.

nấm bào ngư tươi

Giúp ngăn ngừa bệnh ung thư

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Israel, trong nấm bào ngư có chứa chất alpha-glucan. Đây còn được gọi là hợp chất đường liên phân tử, chất này có khả năng tiêu diệt được các tế bào ung thư ác tính. Bên cạnh đó, hoạt chất l-atin có trong tai nấm, trên phiến nấm và có mặt nhiều nhất ở phần bào tử nấm, có khả năng phòng tránh ung thư rất hiệu quả.

Người khỏe mạnh khi thêm nấm bào ngư vào khẩu phần ăn hàng ngày có thể ngăn ngừa được các tế bào xấu gây nên bệnh ung thư. Đối với người mắc bệnh ung thư, có thể bổ sung được rất nhiều chất dinh dưỡng dễ hấp thụ. Hơn nữa, các hoạt chất có lợi trong nấm sẽ giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân ung thư.

Làm giảm hàm lượng cholesterol

Trong nấm bào ngư có chứa các satin như chất l-asatin. Chất này còn được gọi là giúp ức chế men khử HMG-CoA trong cơ thể. Chất l-asatin còn là để tăng lipid trong máu, có tác dụng làm giảm hàm lượng cholesterol, điều tiết lại lượng máu trong cơ thể.

Nhóm chất có trong nấm giúp tăng năng lượng cho máu động mạch vành. Sử dụng nấm thường xuyên có thể hạn chế được tình trạng tắc nghẽn mạch máu, thiếu máu cơ tim. Từ đó, các hoạt chất này phát triển còn có thể ngăn ngừa được bệnh đột quỵ, nhất là ở người cao tuổi.

Một số tác dụng khác

Ngoài giá trị dinh dưỡng cao, loại nấm này còn có khả năng phòng ngừa và chữa các bệnh như: Hạ huyết áp, chữa bệnh đường ruột, chống béo phì, thanh tẩy máu xấu.

Nấm bào ngư cung cấp lượng protein cao mà không gây tích tụ mỡ, đây là thực phẩm lí tưởng cho những người bị bệnh gout.

Nấm bào ngư tự sản sinh ra hợp chất có tính kháng khuẩn rất mạnh. Do đó, khi ăn nấm sẽ tiết ra một loại chất kháng giun tròn và tuyến trùng. Nấm có tác dụng rất hiệu quả trong việc phòng ngừa giun sán.

Các thành phần dinh dưỡng có trong nấm bào ngư hầu hết là dễ hấp thụ. Bởi vậy, nấm được chọn là một món ăn dinh dưỡng phù hợp với người mới ốm dậy, phụ nữ mang thai. Chúng còn được các bà mẹ tin dùng cho trẻ em ăn dặm trong giai đoạn phát triển.

Cách chọn mua và sơ chế

Chọn mua nấm bào ngư

Tùy theo giai đoạn trồng mà người ta lại phân biệt nấm bào ngư loại 1, 2 và 3. Trong đó, nấm bào ngư loại 1 thường có giá thành cao hơn và hương vị thơm ngon hơn.

Ngoài ra, bạn có thể chọn mua nấm bào ngư xám hoặc nấm bào ngư trắng theo sở thích riêng. Tuy nhiên, hãy chọn cây nấm có thân chắc; mũ nấm to, có thể màu xám hoặc trắng (tùy theo loại) nhưng không nên bị rách nhiều; phần chóp nấm lõm nhẹ và dưới mũ nấm có các cánh tơ mỏng. Ưu tiên, chọn nấm bào ngư mọc thành cụm với nhau, tươi rói và có mùi nấm đặc trưng.

Để thực hiện các món xào thì bạn nên chọn loại nấm bào ngư nâu vì nấm sẽ giòn, dai và ngọt hơn. Nấm bào ngư trắng sẽ phù hợp với các món cháo, lẩu.

Sơ chế nấm bào ngư

Nấm bào ngư mua về, bạn có thể dùng dao loại bỏ đi phần dơ của chân nấm. Sau đó, dùng tay tước hoặc xé nấm ra thành miếng nhỏ hơn, vừa ăn (đối với loại nấm to).

Bạn ngâm nấm bào ngư vào nước muối pha đậm đặc (theo tỉ lệ cứ 4 muỗng muối thì 2 lít nước) khoảng 20 phút.

Tiếp đó, bạn vớt nấm, rồi rửa qua nước muối pha loãng (theo tỉ lệ 2 muỗng muối thì 4 lít nước), vắt cho kiệt nước. Nhờ có muối nên nấm bào ngư sẽ dai và giòn hơn khi chế biến.

Cuối cùng, bạn chỉ cần rửa lại với nước sạch và vắt nước là có thể đem chế biến món ăn.

Cách bảo quản

Trước tiên, bạn cần loại bỏ phần chân nấm bào ngư cũng như các vết bẩn bám (nếu có), rồi tách riêng các sợi nấm (đối với loại nấm to).

Sau đó, đem luộc phần nấm này trong nồi nước sôi khoảng 15 phút, vớt để ráo.

Cho nấm bào ngư vào hộp thực phẩm, đậy kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Hoặc đem hút chân không thì càng tốt

Cách chế biến phù hợp

Xào, kho, hầm, nấu lẩu, nấu canh,...

________________________

Đọc thêm: Nấm Hương - Shiitake